1. Ma tuý đối với sức khoẻ cá nhân
1.1. Ma túy tác hại đến sức khỏe thể lý người nghiện Ma túy khi vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây ức chế não, khiến người nghiện đau đầu, chóng mặt, rối loạn cảm giác, dễ kích động và có thể dẫn tới hành vi phạm tội. Các chất như cocaine, heroin, morphine mạnh hơn endorphin tự nhiên, làm cơ thể quen với ma túy và đòi hỏi liều tăng dần, gây lệ thuộc và suy sụp tinh thần khi ngừng dùng. Người nghiện ma túy thường lâng lâng, mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến sụt cân, hệ tiêu hóa kém, dễ gặp vấn đề như buồn nôn, đau bụng, và huyết áp không ổn định. Tiêm chích không vệ sinh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu, viêm tắc tĩnh mạch. Ma túy còn suy giảm hô hấp, gây viêm mũi, xoang, viêm phổi; đôi khi ngưng thở đột ngột gây tử vong.
1.2. Ma túy tác hại đến sự phát triển nòi giống: Đối với phụ nữ có thai, nghiện ma túy dễ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, khó nuôi. Khi một người sử dụng cần sa, đối với nam, cần sa kìm hãm sự sinh sản nội tiết nam tính, vì vậy dễ bị liệt dương và dẫn tới vô sinh. Ở phụ nữ thì thường bị rối loạn hoạt động của buồng trứng. Cần sa kìm hãm sự hoạt động của tuyến yên ở trung não, tuyến này có hình như yên ngựa, sản sinh ra nhiều chất nội tiết tố quan trọng giúp điều hòa các hoạt động bình thường của tim và mạch sinh dục. Với phụ nữ nghiện cần sa, tỷ lệ mang thai giảm hoặc nếu có thai dễ dẫn đến sảy thai, thai lưu, và tỷ lệ sinh non có thể lên tới 25%.
1.3. Ma túy gây lây nhiễm HIV/AIDS: Người nghiện có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người bình thường. Vì lúc mới sử dụng ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, người nghiện thường bị kích thích tình dục rất nhiều. Một khi phê thuốc, người nghiện sẽ không kiểm soát được hành vi, họ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ (kể cả quan hệ với gái mại dâm), điều này rất dễ lây nhiễm HIV nếu bạn tình có HIV. Đồng thời họ dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai.
Mặt khác, đối tượng nghiện ma túy thường dùng chung kim tiêm mà không khử trùng, hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, nên họ rất dễ bị nhiễm HIV từ người này sang người khác qua đường máu. Sau mỗi lần sử dụng, máu của người dùng trước còn đọng trên bơm kim đi thẳng vào mạch máu của người sau, người tiêm sau sẽ bị lây nhiễm nếu người chích trước nhiễm HIV.
1.4. Ma túy làm thay đổi nhân cách người nghiện: Khi người sử dụng có đủ ma túy để dùng thì họ cảm thấy thoải mái, sảng khoái, bình tĩnh. Khi không có ma túy, tâm trạng người sử dụng thường trở nên tiêu cực, cau có, bực bội hoặc cô độc, âu sầu. Do các chất ma túy thường tạo nên khoái cảm, sảng khoái giả tạo nên người nghiện thường bị giảm hứng thú với cuộc sống bên ngoài, nhân cách bị thu hẹp, tương quan với người xung quanh trở nên thô lỗ hơn, ít quan tâm đến người thân, thờ ơ trong công việc và không thích theo đuổi những sinh hoạt lành mạnh như: học tập, vui chơi, lao động, thể thao… Họ thường ở trong trạng thái ủ dột, chai lì cảm xúc, dễ gây xung đột với những người xung quanh. Đối với người nghiện, ma túy là nhu cầu cấp bách đối với họ; vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của bản thân, họ bất chấp tất cả những chuẩn mực đạo đức của xã hội và luật pháp, họ có thể lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để có tiền mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện
2. Ma tuý đối với xã hội
Tăng tỉ lệ tội phạm: Người nghiện ma túy thường dễ dấn thân vào các hành vi phạm pháp như trộm cắp, cướp giật, hoặc buôn bán ma túy để có tiền thỏa mãn nhu cầu. Điều này gây ra tình trạng bất ổn về an ninh trật tự trong cộng đồng và làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.
Gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: Lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm...
Ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội. Tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại.
Gây áp lực lên hệ thống y tế và điều trị cai nghiện: Những người nghiện ma túy cần được điều trị và chăm sóc y tế lâu dài, đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực y tế và ngân sách. Điều này có thể gây áp lực cho hệ thống y tế, đặc biệt là khi các trung tâm cai nghiện, bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế phải đối mặt với tình trạng quá tải.
3. Ma tuý đối với kinh tế
Hao tổn tiền bạc của bản thân và gia đình: Ma túy không chỉ tàn phá sức khỏe mà còn gây thiệt hại lớn về tài chính cho cá nhân và gia đình người nghiện. Chi phí mua ma túy trung bình từ 100.000 - 2.000.000 đồng/ngày, khiến người nghiện nhanh chóng kiệt quệ kinh tế. Để đáp ứng cơn nghiện, họ có thể trộm cắp, cướp của, thậm chí gây hại cho người thân. Gia đình vừa gánh nặng chi phí điều trị vừa chịu mất mát tài sản, dẫn đến đổ vỡ các mối quan hệ. Nghiện ma túy làm suy giảm lực lượng lao động, gia tăng tội phạm và các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và kinh tế quốc gia.
Hao tổn tiền bạc của nền kinh tế quốc gia: Tệ nạn nghiện ma túy gây tổn thất lớn cho kinh tế quốc gia khi làm suy giảm lực lượng lao động, giảm hiệu suất sản xuất và tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước. Nhà nước phải chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho các hoạt động phòng chống ma túy, từ công tác phòng ngừa đến xét xử, truy tố các tội phạm liên quan. Đồng thời, việc điều trị và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện cũng tiêu tốn nguồn tài chính không nhỏ, khiến gánh nặng chi phí y tế ngày càng tăng. Ma túy còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như làm suy yếu nguồn nhân lực khi người nghiện mất khả năng lao động, đồng thời lan truyền các dịch bệnh như HIV/AIDS, làm suy giảm chất lượng lao động xã hội. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và du khách, giảm sức hấp dẫn đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung. Các quốc gia cần phối hợp hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tệ nạn này, nhằm bảo vệ an ninh xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu đang chịu áp lực nặng nề từ tác hại của ma túy.
4. Ma tuý đối với các mối quan hệ
Ma tuý làm huỷ hoại sức khoẻ, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại.
Nghiện ma túy dễ dẫn đến thoái hoá nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật. Mất lòng tin với mọi người, dễ bị người khác lợi dụng, học tập giảm sút hoặc bỏ học, ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ, nếu đã có việc làm thì dễ bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, người nghiện ma thúy còn mâu thuẫn và bất hoà với bạn bè, thầy cô giáo và gia đình.
Ma tuý còn gây tác hại lâu dài cho con cái, nòi giống: các chất ma tuý ảnh hưởng đến hệ thống hoocmon sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gien độc có điều kiện hoạt hoá, dẫn tới suy yếu nòi giống.
5. Ma tuý đối với gia đình
Người nghiện ma túy làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình. Nhu cầu cần tiền để mua ma tuý của người nghiện là rất lớn, vì vậy khi lên cơn nghiện người nghiện ma tuý có thể tiêu tốn hết tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình vào việc mua ma tuý để thoả mãn cơn nghiện của mình, hoặc để có tiền sử dụng ma tuý, nhiều người đã trộm cắp, hành nghề mại dâm, hoặc thậm chí giết người, cướp của. Sức khoẻ các thành viên khác trong gia đình giảm sút (lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên...vì trong gia đình có người nghiện). Gây tổn thất về tình cảm (thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc...). Gia đình tốn thời gian, chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh của người nghiện do ma tuý gây ra.
6. Các dấu hiệu để nhận biết người bị nghiện ma túy?
Trả lời: Theo tài liệu của Ủy ban quốc gia phòng chống ma tuý thì có các cách nhận biết một người đã nghiện ma tuý qua các biểu hiện sau đây:
Thay đổi bất thường giờ giấc sinh hoạt: thức khuya, đêm ít ngủ, dậy muộn, ngày ngủ nhiều.
Hay tụ tập, đi lại với những người không có công ăn việc làm, không lao động, không học hành, hay chơi thân với người nghiện ma tuý.
Đi lại có quy luật, mỗi ngày cứ đến một giờ nhất định nào đó dù có đang bận việc gì cũng tìm cách kiếm cớ để “đi”.
Thích ở một mình, ít hoặc ngại tiếp xúc với mọi người (kể cả người thân trong gia đình).
Tâm trạng thường lo lắng, bồn chồn, đôi khi nói nhiều, nói dối, hay có biểu hiện chống đối, cáu gắt.
Hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, lười lao động, không chăm lo vệ sinh cá nhân, nếu là học sinh thì thường đi muộn, trốn học, lực học giảm sút, ngồi học trong lớp hay ngủ gà ngủ gật.
Nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, sử dụng tiền không có lý do chính đáng, thường xuyên xin tiền người thân, hay bán đồ đạc cá nhân và của gia đình, nợ nần nhiều, ăn cắp vặt.
Túi quần, áo, cặp sách, phòng ở thường có nhiều thứ như: giấy bạc, thuốc lá, kẹo cao su, bật lửa ga, bơm xi lanh, kim tiêm, ống thuốc, thuốc phiện, gói nhỏ hêrôin.
Có dấu kim tiêm trên mạch máu ở mu bàn tay, cổ tay, mặt trên khủy tay, mặt trong mắt cá chân, bẹn, ở cổ.
Đối với người đã nghiện nặng, ngoài các dấu hiệu trên còn biểu hiện: sức khỏe giảm sút rõ rệt; thường xuyên ngáp vặt; mắt lờ đờ, da tái, môi thâm, cơ thể hôi hám, ít tắm giặt, ăn mặc luộm thuộm.
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề liên quan đến ma túy, hãy liên hệ ngay với các đường dây hỗ trợ.